Lào Cai 26° - 28°
Độc đáo mặt nạ "Tìu Bèo" của người Dao họ
Người Dao Họ sinh sống tại các xã Sơn Hà, Sơn Hải (Bảo Thắng) và xã Tân An, Tân Thượng (Văn Bàn), đến nay vẫn còn chế tác và sử dụng mặt nạ bằng gỗ trong nghi lễ lập tịch (cấp sắc). Thầy đeo mặt nạ được thầy cả phù phép thành con Hổ có vai trò bảo vệ thầy, trò cũng như những người có mặt tại đám cấp sắc.

Với người Dao Họ, mặt nạ xuất hiện từ rất lâu đời và là vật dụng mang đậm chất tín ngưỡng, ma thuật sử dụng trong lễ trưởng thành của nam giới. Lễ lập tịch tổ chức theo hai trường phái là Tam Thanh và Tam Nguyên. Lập tịch Tam Nguyên sử dụng 5 thầy, thầy thứ 3 là người đeo mặt nạ, phía sau đầu buộc ảnh ông thần Sán Cô. Người này đeo mặt nạ, vừa đi vừa múa các động tác mang tính chất phồn thực, trêu ghẹo các cô gái, đàn ông…biểu tượng của ông Sán Cô- người khổng lồ có công tạo ra vũ trụ, muôn loài.

Loại gỗ dùng để làm mặt na là loại gỗ sung (cờ lo đẻng), đặc điểm của gỗ này là mềm, nhẹ không bị nứt nẻ, dễ tạo hình.  Họ sử dụng đoạn gỗ có chiều rộng từ 25-30 cm, chiều dài từ 40-45 cm để làm mặt nạ. Dụng cụ dùng để chế tác mặt nạ gồm có nhiều loại như đục (tròn, dẹt), dao, cưa, dùi đục…Để tạo hình mặt nạ, người chế tác sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, làm bóng gỗ… tạo cho chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống một vị thánh, thần như trong sách cổ người Dao đã ghi chép. Mặt nạ khi được người thầy chế tác, tạo hình nó sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ. Trong tập quán xã hội của người Dao Họ, người tạo ra chiếc mặt nạ chính là ông thầy to nhất  (Sầy lồ) trong cấp sắc Tam Nguyên, ông thầy này khi chế tác để có được mặt nạ đẹp như ý, thể hiện được thần thái của vị thần Sán Cô. Những bộ phận chính trên mặt nạ như: mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm,.. được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường uốn cong trên cánh mũi đủ để thể hiện được tính cách thần thái của chiếc mặt nạ rất oai phong, hung dữ đến chừng nào.

Mặt nạ sử dụng trong nghi lễ lập tỉnh của người Dao Họ, chúng có sắc thái riêng về tạo dáng và chạm trổ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng giấy màu để dán tạo nên một chiếc mặt nạ hoàn hảo. Chiếc mặt nạ chính là hiện thân của vị thần Sán Cô. Tùy theo đặc điểm cư trú của từng vùng người Dao Họ, người thầy tạo ra sản phẩm mặt nạ thể hiện nghệ thuật điêu khắc trên gỗ có cách phối màu, đục khoét, tô vẽ riêng nhằm tạo ra nhiều khuôn mặt với nét đặc trưng, biểu cảm khác nhau của vị thần, vị thánh. Sau khi tạo ra chiếc mặt nạ, người thầy cắt nhỏ các loại giấy màu trang trí dán giấy màu xanh đỏ tím vàng tạo nên thần thái chiếc mặt nạ. Lúc này, chiếc mặt nạ không đơn thuần là mặt nạ gỗ, thay vào đó các lớp giấy màu được dán khắp trên bề mặt gỗ tạo điểm nhấn trên hai hõm mắt, trên trán trông khuôn mặt của vị Sán Cô kia thật hung dữ, đáng sợ. Việc trang trí giấy trên mặt nạ gỗ có tác dụng xua đuổi “ma xấu” cho cộng đồng, làm tốt cho nghi lễ lập tịch, người được cấp sắc sẽ có cuộc sống tốt đẹp sau này, đồng thời phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Dao Họ.

Trong tiến trình nghi lễ cấp sắc, đoàn cấp sắc Tam Nguyên sử dụng thầy đeo mặt nạ ba lần. Lần thứ nhất, cả năm thầy (tập trung tại nhà thầy cả để cùng đi) khi vào đến đầu làng cả đoàn thầy người gõ nạo bạt, thầy múa gậy phép, thầy thứ ba đeo mặt nạ cùng nhau nhảy múa. Thầy đeo mặt nạ múa đi đầu có ý nghĩa lúc này thầy là một con Hổ đầy sức mạnh, đi trước dẹp đường để đón các thầy đến nhà làm lễ lập tỉnh cho con cháu. Trên đường đi, tai trái cầm chuông đồng, tay phải cầm cờ, người đeo mặt nạ múa các động tác giơ tay, vung chân đi trước gặp con gì cản trở con Hổ này gặm, ăn hết, mọi người đi theo sau không bị ảnh hưởng, nhất là gia đình làm lễ cấp sắc cho con. Lần thứ hai, khi mọi người đi vào rừng tìm dây rừng để đan võng (thiên la địa võng), thầy đeo mặt nạ nhảy múa vòng quanh để bảo vệ cho các thầy làm xong chiếc võng. Lần thứ ba, khi ở Kỳ đài (ngoài nhà), lúc người cấp sắc trèo lên kỳ đài, ông thầy này múa vòng quanh để bảo vệ tất cả mọi người, đảm bảo cho người được cấp sắc được lộn từ trên kỳ đài rơi vào võng thiên la. Như vậy có thể thấy vai trò của thầy đeo mặt nạ đóng vai trò làm nhiệm vụ bảo vệ cho thầy, người cấp sắc và người có mặt tại các điểm thực hành nghi lễ. Ngoài những lúc làm nhiệm vụ bảo vệ, thầy đeo mặt nạ một tay cầm que đi trêu ghẹo gái và thực hiện các động tác giống như đang giao phối mang tính phồn thực, cầu mong cho sự sinh sôi phát triển.

Hiện nay, ở vùng người Dao Họ huyện Bảo Thắng, Văn Bàn vẫn còn giữ gìn được mặt nạ và vẫn thường xuyên sử dụng trong các nghi lễ lập tỉnh. Mặt nạ không đơn giản chỉ là một miếng gỗ được đục khoét tạo thành hình, mặt nạ của người Dao mang nhiều ý nghĩa, giá trị đặc biệt đó là thể hiện sức mạnh của vị thần Sán Cô. Đó chính là nét đẹp, độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Dao Họ./.

Nguyễn Ngọc Thanh

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập