Lào Cai 26° - 27°
Giáo dục toàn diện - Mục tiêu phát triển của Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Trong hệ thống các thiết chế văn hóa, Bảo tàng ngày càng được khẳng định tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục - công chúng. Điều này khởi nguồn từ các tư liệu - hiện vật gốc có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử được sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, sử dụng hiệu quả trong việc giáo dục khoa học - đạo đức - thẩm mỹ cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu. Đó là thế mạnh mang tính đặc trưng, được ví như là trường học thích hợp đối với mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội và nghề nghiệp.

Bảo tàng tỉnh Lào Cai được thành lập ngày 05/8/1992, với 6 biên chế ban đầu, cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển. Tuy phải di chuyển 6 lần trụ sở làm việc nhưng đội ngũ cán bộ Bảo tàng vẫn phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả; sưu tầm 14.601 hiện vật (593 đồ đá, 438 đồ dệt, 314 đồ mộc, 492 giấy, 557 đồ gốm, 832 kim loại, 728 đồ giả cổ, 342 đồ mỹ ký, 5.938 phim ảnh, 4.075 ảnh và 37 bộ sưu tập hiện vật), nhiều hiện vật có giá trị cao trên các mặt lịch sử, văn hóa và khoa học được công nhận là bảo vật quốc gia; xây dựng 30 hồ sơ di tích, tiến hành 15 cuộc thám sát, khai quật khảo cổ, thực hiện gần 200 cuộc trưng bày phục vụ các nhiệm vụ chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh, các sự kiện vùng Tây Bắc,  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

Thực hiện Đề án số 13 Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015”, năm 2015, Bảo tàng tỉnh Lào Cai được đầu tư xây dựng trên khuôn viên quảng trường mới, quy mô 03 tầng, diện tích xây dựng 3.976m2 với gần 8.000 m2 sàn. Tổ chức không gian bao gồm: Sảnh khánh tiết, không gian trưng bày thường xuyên trong nhà, không gian trưng bày chuyên đề, ngoài trời, hội trường, thư viện, kho bảo quản và khu hành chính, kỹ thuật, dịch vụ, đảm bảo các điều kiện cho Bảo tàng phát triển quy mô khu vực, điểm thu hút hấp dẫn cho du khách.

Tháng 9/2016, Bảo tàng được tiếp nhận, di chuyển trụ sở và toàn bộ tư liệu, hiện vật về cơ sở mới. Trong chuỗi sự kiện chào mừng 25 năm tái lập tỉnh, Bảo tàng thi công trưng bày chuyên đề “Lào Cai - 25 năm xây dựng và phát triển” với 500 hiện vật (đồ đá, gốm, đồng, dân tộc học), gần 1.000 hình ảnh, tư liệu, 05 tổ hợp hiện vật gốc về đời sống sinh hoạt các dân tộc tại kho bảo quản theo hướng mở, phục vụ, giáo dục truyền thống thu hút trên 4.000 lượt du khách, học sinh đến tham quan.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, Đề án phát triển Văn hóa Thể thao, Đề án phát triển Du lịch giai đoạn 2015-2020 của Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của UBND tỉnh trong giai đoạn tới, Bảo tàng tỉnh tham mưu xây dựng Đề án khai thác, phát huy giá trị thiết chế đầu tư với mục tiêu xây dựng Bảo tàng Lào Cai hiện đại, mang tầm khu vực, quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu trên, Bảo tàng tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất: Tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chuyên gia vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) hoàn thiện Đề án trưng bày, định hướng cấu trúc nội dung trưng bày thường xuyên gồm: Tài nguyên thiên nhiên, cổ sinh và bình minh của nhân loại, lịch sử và văn hóa các dân tộc. Trong đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và đặc trưng, đa dạng văn hóa.

Thứ hai: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nghiệp vụ bảo tàng, kỹ thuật, dịch vụ và truyền thông, đảm bảo năng lực vận hành không gian trưng bày thường xuyên, chuyên đề, ngoài trời và hướng dẫn các đoàn tham quan có quy mô lớn, đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch.

Thứ ba: Tập trung rà soát, đẩy mạnh sưu tầm hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày trên quy mô trên 2.000m2 thường xuyên, 500m2 chuyên đề. Trong đó, tham mưu trình UBND tỉnh tổ chức cuộc vận động sưu tầm, giới thiệu và hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh; phục chế, phục dựng các hiện vật, cổ vật của Bảo tàng (hiện vật gốm sứ, đồng, bạc, sắt, gỗ, giấy, vải sợi,...); phối hợp với cơ quan, tổ chức, đoàn thể xây dựng trung tâm dữ liệu về lịch sử, khoa học, di sản văn hóa các dân tộc.

Thứ tư: Xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Bảo tàng: Logo, nghệ thuật trang trí không gian phòng tiếp khách, khánh tiết, dịch vụ. Đồng thời nâng cao chất lượng, đổi mới và đa dạng hình thức tiếp cận, tạo điều kiện cho công chúng tham gia giáo dục, trải nghiệm, nghiên cứu các tri thức, sản phẩm... của Bảo tàng.

Từ kết quả đầu tư xây dựng thiết chế và mục tiêu phát triển của trong giai đoạn tới, Bảo tàng tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, thu hút công chúng tham gia các hoạt động góp phần tạo môi trường giáo dục toàn diện, là điểm đến tham quan du lịch mang nhiều ý nghĩa của công chúng, du khách trong nước, quốc tế.

Nguyễn Văn Thắng

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập