Lào Cai 26° - 27°
Lễ cấp sắc dân tộc Dao đỏ ở Lào Cai
Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Lào Cai còn gọi là lễ lập tỉnh, lễ trưởng thành cho con trai, là một nghi lễ truyền thống không thể thiếu trong chu kỳ đời người. Lễ cấp sắc được tổ chức rải rác vào các tháng trong năm, nhưng tập trung chủ yếu vào những tháng nông nhàn, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch.

Lễ cấp sắc mang ý nghĩa to lớn đối với người đàn ông trong gia đình cũng như cộng đồng dân tộc Dao Đỏ. Khi người đàn ông được cấp sắc đồng nghĩa với việc họ có thể làm thầy cúng, lo toan những việc tâm linh cho bản thân, gia đình và cộng đồng… Người Dao đỏ, chỉ khi người đàn ông đã có vợ thì mới được cấp sắc và người vợ cũng được cấp sắc cùng với 60 quân âm binh. Tuy nhiên âm binh đối với người phụ nữ Dao đỏ chỉ có ý nghĩa bảo vệ mình và con cái chứ không thể làm thầy để cấp sắc cho người khác và những việc cúng cho cộng đồng.

Nghi thức và nội dung tổ chức lễ cấp sắc của mỗi ngành Dao tuy có những đặc điểm khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho những người đàn ông trong gia đình. Tùy theo dòng họ mà người Dao có thể tổ chức lễ cấp sắc cho người con trai ở cấp độ 3 đèn, 7 đèn, hay 12 đèn. Số lượng đèn được cấp tương đương với sự cao thấp của tay nghề người làm thầy sau này.

Ngày tổ chức lễ cấp sắc là ngày tập trung đông đủ thầy (sư phụ) nhất, có thể tùy theo cấp bậc được cấp mà mời từ 6 đến 18 thầy hành lễ, chia làm hai phái: Đạo giáo (thầy truyền dậy văn, đạo lý), Sư giáo (Thầy dậy về võ, sức mạnh). Ngoài ý nghĩa thiêng liêng của việc cấp sắc cho người đàn ông, lễ này cũng trở thành một ngày hội của gia đình, họ hàng và cộng đồng người Dao trong vùng, do vậy mỗi lễ cấp sắc thường có sự tham gia của đông đảo họ hàng, bà con dân làng.

Để thực hiện một lễ cấp sắc, giữa thầy cúng, người được cấp sắc và gia đình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vật chất, tinh thần và sự kiêng kỵ cần thiết.

So với các nhóm ngành Dao khác thì diễn trình tổ chức lễ cấp sắc của người Dao đỏ có quy mô, số lượng thầy cũng như nhiều nghi lễ độc đáo và khác lạ. Người  Dao đỏ chỉ cấp sắc theo trường phái Tam Thanh, tư liệu nghiên cứu sưu tầm giới thiệu trong đoạn nội dung này là diễn trình tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ tổ chức tại Sa Pa, đại diện cho nhóm Dao đỏ trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.

Mở đầu là lễ đón thầy, đây là nghi lễ thể hiện sự tôn kính của học trò đối với các thầy đến làm lễ cấp sắc. Ngoài cổng chính vào nhà cấp sắc, gia chủ viết giấy và cắm ở cổng, trên giấy có ghi “nơi đón thầy”. Khi thầy cả đến, trò trưởng - đồng thời là người trưởng họ làm huynh trưởng của các học trò nam dẫn đầu từ trong nhà ra đến cổng, xếp thành một hàng dài. Các trò mặc trang phục dân tộc truyền thống, đầu cuốn khăn vải đỏ, hai tay cầm nạo bạt. Phong tục đón thầy của người Dao đỏ bao giờ cũng phải có đội nhạc trống, chiêng và kèn đón tiếp rất long trọng.

Lễ trình báo đón tổ tiên, mời thần thánh về chứng kiến dự lễ cấp sắc: Lễ vật dâng cúng gồm có thịt lợn, rượu và cơm... Mâm lễ được bày trước bàn thờ tổ tiên của dòng họ. Đến giờ làm lễ, thầy cúng chính thỉnh mời các thần thánh, tổ tiên, ma làng, ma đất, ma ngoài về chứng kiến lễ cấp sắc của các cặp học trò. Vừa khấn, thầy vừa gieo quẻ âm dương bằng gốc trúc để xin phép thánh thần nếu một xấp một ngửa là các thần đã đồng ý. Để tiến hành lễ này, đội nhạc gồm trống, chiêng, kèn phải tấu lên khúc nhạc vui mừng đón thần thánh, tổ tiên về thụ hưởng lễ và chứng dám lòng thành của thầy và trò, bảo vệ che chở cho thầy và trò hoàn tất các thủ tục cấp sắc 12 đèn cho các trò.

Lễ trình diện của những học trò được thụ lễ và nhiều nghi lễ khác được tiến hành theo trình tự thầy chính đã đặt ra. Đồng thời tuân thủ theo quy luật mời nước, mời ăn sau đó mới nhờ các vị thánh thần trợ giúp công việc.

Múa thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến. Tại khu vực hành lễ cấp sắc thầy phụ trách trống theo nhiệm vụ đã phân công cùng với thầy cả đồng thời hành lễ trước bàn thờ tổ tiên dòng họ của gia đình làm lễ cấp sắc. Thầy làm phép ăn chay ngủ chay cho toàn thể học trò và toàn thể ngươi dân tham dự: Vào lúc canh ba của ngày thứ 3, các thầy cúng tiến hành làm phép ăn chay, ngủ chay. Lúc này tất cả các trò đem theo hành lý, quân tư trang vào khung nhà trang trí dán giấy màu. Họ đem theo đôi não bạt, thẻ gỗ tượng trưng cho các ông bà, ông cụ tổ tiên đã mất mà chưa được cấp sắc được các con, cháu mang theo bên mình để cùng được cấp sắc.

Lễ trình diện tổ tiên: Thầy đọc sách cúng trình báo danh sách các học trò, báo cáo tổ tiên được biết và phù hộ cho các trò để được làm lễ cấp sắc được tốt.

Lễ xin treo tranh nhỏ: Khi các thầy tiến hành lễ treo tranh các trò đứng theo thứ tự tay cầm não bạt gõ liên hồi theo nhịp trống ba người gõ trống, chiêng và thổi kèn bao giờ cũng tấu nhạc mỗi khi các thầy hành lễ. Khi thực hiện lễ này cửa nhà phải được dóng kín với ý nghĩa thiêng chỉ có thầy trò và thần thánh biết..

Sau đó thầy trình báo tổ tiên cho các trò được phép ăn chay, ngủ chay đến hôm hoàn thành lễ. Đội trống kèn tấu nhạc, các trò vừa gõ não bạt vừa múa theo nhịp trống chiêng, khi múa các trò cầm nạo bạt gõ và cúi người lạy 3 lạy đối với thầy cúng. Khi cúng xong, thầy phát cho mỗi trò một tấm khăn trắng để ngày cấp sắc chính các trò làm đệm.

Một nghi lễ quan trọng khác là đón thầy đến thụ lễ, truyền phép, cấp giấy chứng nhận... Trong lễ đón thầy hay còn gọi là "Lễ rước cha": đón đủ 12 thầy và 6 đồ đệ của thầy mo, thầy to nhất được đón trước, lần lượt theo thứ tự đón từ thầy cao đến thầy nhỏ. Cách đón rước thầy cũng giống như lễ đón thầy hôm đầu tiên. Nhưng đón thầy lần này có khác hơn ngày hôm trước là các trò ngoài cầm não bạt còn được các thầy học việc giúp phát cho một người một thanh kiếm gỗ và một lá cờ chuối. Thanh kiếm gỗ đã được trang trí dán giấy mầu trông rất đẹp mắt cầm trên tay ra múa đón thầy vào nhà.

Sau khi đón các thầy vào đến cửa nhà, các thầy cũng phải cúi lạy và làm lễ xưng danh để được vào trong nhà, mỗi thầy khi đi qua bảng danh sách dán ở ngoài cửa phải bóc một ít giấy dán che bên ngoài làm cho lộ tên mình ra, rồi mới được vào nhà. Vào nhà, thầy báo cáo bàn thờ tổ tiên dòng họ xin phép đến để lưu trú lại vài ngày làm cấp sắc cho các học trò theo nghi lễ truyền thống của dân tộc. Sau đó, các trò nam theo thứ tự lần lượt bước vào nhà. Chủ bếp chuẩn bị nước chè, rượu và thuốc để mời các thầy. Họ chuẩn bị một đĩa 4 chén đựng chè, rượu đi mời lần lượt từ thầy cao đến thầy thấp, đủ 11 thầy. Khi đến đây, có 3 thầy to nhất đầu cuốn khăn xanh, đỏ để phân biệt với các trò và thầy nhỏ.

Khi thực hiện thầy trưởng làm lễ phát lương còn gọi là lễ giao quân âm binh, trong nhà thầy cả và thầy hai mỗi người cầm một giá gạo và bên cạnh có một người giúp cầm danh sách ghi toàn bộ các học trò nam và nữ giở ra để đọc điểm danh. Tiếp theo, thầy cả cùng thầy thứ hai làm "Lễ phát lương" hay còn gọi là lễ giao quân âm binh cho trò: mỗi người được phát một nắm gạo rồi thầy  thứ hai tiến hành "Lễ lên hương".

Lễ lên hương: Khi thầy giao quân âm binh thầy trên vai trái vẫn đeo bọc tranh ảnh thờ, tay trái vừa cầm gậy phép lại vừa cầm giá gạo. Các thầy đọc danh sách, rồi nhúm một ít gạo ném xuống các trò nam chìa vạt áo phải để hứng lấy gạo (quân âm binh) lần đầu. Thầy ném lần lượt cho từng cặp vợ chồng một, bắt đầu từ cặp số 1 cho đến hết. Nữ giới chìa vạt áo dài bên phải để hứng lấy quân âm binh. Sau khi các thầy cấp âm binh xong, các học trò lấy túi vải hoặc nylon để đựng số hạt gạo hứng được cất kỹ trong túi áo, gọi là giữ quân âm binh bên mình để bảo vệ.

Qua rất nhiều các lễ nhỏ liên tiếp nhau, mỗi lễ mang một nội dung và ý nghĩa sâu sắc cho việc cấp sắc, thầy làm cầu nối dẫn trò đi lên dương, xuống âm.

Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người nam giới trong cộng đồng. Những trò múa quanh đàn trời, dẫn dắt quanh chân cột để đánh đuổi thú dữ, đánh đuổi cái xấu để các trò được sinh ra an toàn, trọn vẹn.

Những động tác múa kiếm, múa dao cuốc, múa cờ hòa theo nhịp điệu trống chiêng rộn rã chính là những hình ảnh tiễn thánh về trời, kết thúc lễ cấp sắc người Dao đỏ. Nghi lễ này mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh.

Tuy mỗi ngành Dao có những nghi lễ và cách thức thể hiện khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự trưởng thành của những người đàn ông trong cộng đồng của người Dao xưa nay, tạo dựng một xã hội, một cộng đồng người Dao hiểu rõ về đạo lý làm người, triết lý nhân văn sống và một thế giới tâm linh đầy áp những giá trị về đạo lý làm người.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập