Lào Cai 26° - 28°
Nghề Chàng slaw (làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín ở Mưởng Khương - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
 Ở tỉnh Lào Cai, người Nùng Dín sống tập trung ở 4 huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Thắng, trong đó, tập trung đông nhất là huyện Mường Khương với hơn 12 nghìn người. Tranh cắt giấy là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc trưng, độc đáo nhất của họ, gắn liền với phong tục tập quán như lễ làm then, tết thanh minh, đặc biệt nó gắn với chu kỳ cuối cùng vòng đời người. Nghề làm tranh cắt giấy là loại hình nghề thủ công truyền thống, được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013.

Điểm nổi bật nhất về tranh cắt giấy người Nùng Dín được thể hiện thông qua đám tang, những bức tranh giấy đó được làm vào thời điểm khi có người qua đời, như món quà vật chất, công trình nhà cửa do con cháu chuẩn bị cho cha mẹ, ông bà để đem về thế giới bên kia.

Thông qua sự tham gia của các nghệ nhân cắt giấy, nghệ thuật trang trí, tạo hình dân gian đã phần nào khắc họa sắc thái văn hoá tâm linh của người Nùng Dín. Xuất phát từ nhu cầu thực tế sử dụng tranh cắt giấy trong đám tang, nên nhiều năm qua các nghệ nhân dân tộc Nùng ở một số địa phương không ngừng thực hành trao truyền nghề cho con cháu. Không chỉ vậy, nhiều nghệ nhân còn hành nghề chuyên nghiệp phục vụ các đám tang để đảm bảo tiến độ thời gian eo hẹp và nâng cao chất lượng nghệ thuật Tranh cắt giấy, điển hình là xã Bản Xen. Ở xã Bản Xen, huyện Mường Khương có 03 tổ nghệ nhân vừa làm việc cụ thể vừa trao truyền; xã Tung Chung Phố cũng có 02 tổ như vậy, góp phần không nhỏ việc giữ gìn giá trị nghề truyền thống độc đáo tại cộng đồng người Nùng Dín ở Mường Khương.

Trong bộ tranh cắt giấy người Nùng Dín có tương đối nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên một bộ tranh đủ cho một đám tang bao gồm: Nhà táng, cây tiền, ngựa giấy và những bức trướng... Chúng tôi giới thiệu một cách khái quát nhất về hình thức biểu hiện và ý nghĩa của những loại tranh giấy này:

- Nhà Táng (rân slan) mang ý nghĩa tượng trưng cho một cơ ngơi nhà cửa khang trang, một cuộc sống đầy đủ, là những gì mà người sống mong muốn làm cho người đã khuất. Thể hiện lòng biết ơn của con cái với ông (bà), cha (mẹ), đó cũng là khát vọng được sống một cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc của người quá cố ở thế giới bên kia.

- Cột tiền (ẳn slan) hay gọi là cây tiền tượng trung cho tiền của phúng viếng người chết với mong muốn người chết có được sự giàu sang phú quý.

- Chỉ vần đứng, chỉ vần ngồi, có ý nghĩa như các bức trướng. Đây là vật do con cháu, người thân, làng xóm viếng linh hồn người chết, tỏ lòng tiếc thương người qua đời.

- Cùng với các đồ dùng như nhà cửa, tiền bạc, chỉ vần, còn có những con ngựa giấy. Những con ngựa này sẽ giúp linh hồn người chết việc chuyên chở hàng hóa khi về thế giới bên kia.

Trong toàn bộ quy trình làm tranh cắt giấy việc đục tranh là khâu quan trọng nhất, khó và mất nhiều thời gian. Tranh cắt giấy có thể đục chạm trổ theo hai cách, một là đục trực tiếp  trên khổ giấy, hai là đục tranh theo các khuôn mẫu có trước. Nghệ thuật sử dụng màu sắc trên tranh cắt giấy của người Nùng Dín ở Lào Cai có những đặc điểm riêng biệt, từ kỹ thuật xen cài và nhuộm màu cho tới việc phối màu, các màu sắc phối hợp với nhau cùng với họa tiết hoa văn tạo ra một bức tranh tổng thể sinh động.

Có thể nói, không gian trong các mô tuýp hoa văn cắt giấy của người Nùng là không gian văn hóa đa chiều, không gian thực hành các nghi lễ truyền thống diễn ra trong tang lễ tuy ở một diện hẹp, song việc tạo ra một không gian trong sự tưởng tượng của con người về một thế giới khác rất rộng, mênh mông trời đất và rất bài bản, khoa học với các nghi lễ khác nhau thể hiện nhu cầu tâm linh của chính họ. Tranh cắt giấy được coi là giá trị vật chất và tinh thần cho linh hồn của người cha người mẹ khuất núi.

Tranh cắt giấy nói riêng và nghi thức tang lễ nói chung mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với chu kỳ vòng đời của tộc người Nùng ở Lào Cai. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến đổi bởi phương thức truyền nghề nhưng về cơ bản nghệ thuật tranh cắt giấy của người Nùng Dín vẫn giữ được những nội dung phản ánh khát vọng, những cốt cách của con người trong quá khứ, hiện tại và về một thế giới mới trong tương lai. 

Nguyễn Hùng Mạnh






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập